Gói thầu thiết kế, xây dựng, vận hành nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè (gói XL-02) là hạng mục lớn và quan trọng nhất của toàn bộ dự án Vệ sinh môi trường TPHCM giai đoạn 2.

Công trình có kinh phí gần 6.000 tỷ đồng, sẽ hoàn thành trước 30/6/2025, với công suất xử lý nước thải đạt 480.000m3/ngày đêm.

Thông tin được ông Bùi Thanh Tân, Giám đốc Ban quản lý Dự án Đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị (Ban Hạ tầng) TPHCM cho biết ngày 20/6, khi có buổi kiểm tra thực tế công trường cùng nhà thầu Pháp.

Ban quản lý dự án kiểm tra thực tế công trường cùng nhà thầu Pháp ngày 20/6 (Ảnh: Thư Trần).

Dự án được triển khai hồi năm 2015, hiện đạt khoảng 41% tổng khối lượng. Các hạng mục quan trọng đang được triển khai, các thiết bị cơ điện chính đã được đặt hàng và dự kiến đưa về công trường từ tháng 8 năm nay.

Ông Tân cho hay gói thầu này trước đó có trị giá 307 triệu USD, sau quá trình đấu thầu cạnh tranh quốc tế đã giảm 72 triệu USD nên giá trị xuống còn khoảng 235,1 triệu USD (tương đương gần 6.000 tỷ đồng).

Ông Patrick Kadri, Chủ tịch, Giám đốc của nhóm dự án lớn Tập đoàn Vinci (nhà thầu Pháp) cho biết, công ty xác định rõ đây là dự án rất lớn và quan trọng đối với TPHCM.

Với thiện chí, mong muốn hoàn thành dự án nhanh nhất có thể, nhà thầu rất cần sự đồng hành cùng chủ đầu tư trong vấn đề thiết kế. Còn đối với việc xây dựng, nhà thầu đảm bảo đúng tiến độ để đưa vào sử dụng, phục vụ nhân dân TPHCM

"Mặc dù dự án bị trễ do nhiều lý do trước đây, chỉ sau 1 năm, dự án đã hoàn thiện được 40%", ông Patrick Kadri nói.

Bể xử lý sinh học của nhà máy (Ảnh: Thư Trần).

Nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè có quy mô lớn nhất TPHCM và khu vực Đông Nam Á. Nước thải sau khi được xử lý tại đây sẽ đảm bảo yêu cầu vệ sinh môi trường rồi được xả ra sông Sài Gòn.

Hiện tổng công suất xử lý nước thải sinh hoạt đô thị của TPHCM là 644.000m3/ngày, chỉ đạt khoảng 40% lượng nước thải hàng ngày. Khi hoàn thành và đưa vào khai thác nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè, TPHCM sẽ nâng công suất xử lý nước thải sinh hoạt đô thị lên hơn 1,1 triệu m3/ngày đêm.